
Mẹ có biết từ lúc 3 tháng bé đã bắt đầu phát triển những kỹ
năng ngôn ngữ của mình thông qua ký hiệu cơ thể (ra dấu), theo dõi lắng nghe và
tạo ra âm thanh? Việc nắm được quá trình phát triển ngôn ngữ ở bé sẽ giúp mẹ hỗ
trợ bé tập nói tốt hơn, cũng như phát hiện và can thiệp sớm những trường hợp bé
bị chậm nói để giúp con phát triển tốt.
1/ Quá trình phát triển ngôn ngữ của bé:
- Từ 3 - 6 tháng: Bé bắt đầu
chăm chú nhìn vào người nói chuyện. Quay đầu về phía có tiếng động phát ra.
Phân biệt được các tiếng động khác nhau phát ra từ các vị trí khác nhau. Nói
được nguyên âm “a”, từ “ba”, “bà”.
- Từ 6 - 9 tháng: Bé có thể nói được 2 âm khác nhau
như “ma ma”, “da da”.
- Từ 9 - 12 tháng: Bé phát âm “ê”, “a” kéo dài
thành một chuỗi âm thanh như người lớn nhưng không rõ từ. Tùy theo mỗi bé,
nhưng khi được khoảng 11 tháng hay 1 tuổi có bé nói được khoảng 2 - 3 từ đơn
khá rõ, có thể là: Bố, bà...
- Từ 12 - 15 tháng: Bé có thể phát âm như tiết tấu
âm nhạc để giữ cho câu chuyện tiếp tục.
- Từ 15 - 18 tháng: Bé sử dụng được 4 từ, thường là
tên con vật kết hợp với cử chỉ, đưa tay vẫy, chỉ. Khi bé được 18 tháng tuổi bé
bắt đầu nói và tự nối ghép được hai từ với nhau. Ở giai đoạn này, bé nói bắt
đầu hình thành các trật tự câu. Bé biết chỉ được ít nhất là sáu bộ phận trên cơ
thể, chỉ được một hai hình ảnh quen thuộc khi cho bé nhìn tranh như: hình bố,
hình con cá hoặc hình con chó…
- Từ 18 tháng đến 2 năm: Thông thường bé có thể
biết được khoảng 25 từ, gọi tên người, chào hỏi, từ chối.
- Từ 2 - 3 tuổi: Đây là giai đoạn vàng trong việc
phát triển ngôn ngữ khi bé học được thêm nhiều từ mới và nói rất nhiều. Giai
đoạn này bé có thể biết được khoảng 50 - 200 từ, và tự nói chuyện khi chơi. Đến
3 tuổi bé có thể tạo ra một cụm từ có đầy đủ thành phần chủ vị. Bé biết sử dụng
các câu đơn giản, đặt câu hỏi đơn giản. Giai đoạn này bé trả lời được các câu
hỏi như: Cái gì, ở đâu? Có/ không. Sau giai đoạn này, bé sẽ nói được và sẽ tạo
đà cho bé phát triển được rất nhiều các câu phức tạp, hình thành được các câu
chuyện dài với nội dung logic.
- Từ 3 - 4 tuổi: Bé bắt đầu sử dụng ngôn ngữ và nói
chuyện một cách trôi chảy. Đây là giai đoạn mà bé sẽ học cách tự kiểm soát được
cường độ giọng nói, xây dựng ngữ điệu như người lớn, thường hỏi cái gì, ở đâu,
tại sao...
Do khả năng phát triển ngôn ngữ của bé phụ thuộc
nhiều vào môi trường sống và sự hỗ trợ từ bố mẹ, ông bà, những người chăm sóc
bé. Nên tốc độ phát triển ngon ngữ của mỗi bé cũng có thể khác nhau, có bé
nhanh hơn và bé chậm hơn. Tuy nhiên, mẹ cần phải thực sự để ý khi khả năng nói
của bé phát triển quá chậm vì đó là biểu hiện của việc chậm phát triển ngôn ngữ
và có thể dẫn đến chậm nói sau này, cần phải được can thiệp sớm.
2/ Những dấu hiệu khi bé chậm phát triển khả năng
ngôn ngữ:
- Không có phản ứng (quay nhìn, chú ý...) với giọng
nói hay những âm thanh to khi bé 6 – 8 tuần tuổi.
- Không cười với giọng nói của bố mẹ khi đùa giỡn
lúc 2 tháng.
- Không quan tâm đến người và vật xung quanh lúc 3
tháng.
- Không quay đầu theo hướng âm thanh phát ra lúc 4
tháng.
- Không cười tự phát lúc 6 tháng.
- Không bập bẹ lúc 8 tháng.
- Không nói được từ đơn lúc bé 2 tuổi.
- Không nói được một câu đơn giản khi bé 3 tuổi.
Khi có những dấu hiệu này, bố mẹ cần đưa bé đi khám
để được phát hiện nguyên nhân chính xác từ đó có cách can thiệp kịp thời y
khoa, tâm lý, giáo dục...để giúp bé phát triển ngôn ngữ bình thường.
Và các bố mẹ hãy nhớ dành thật nhiều thời gian chăm
sóc con, trò chuyện với con dù rằng công việc hay cuộc sống có bận rộn đến
mấy...Vì chính những câu chuyện kể mỗi tối, những lần trò chuyện cùng con chính
là nguồn từ vựng, nguồn ngôn ngữ dễ dàng tiếp thu nhất đối với các bé. Hãy chăm
sóc con bằng tình thương và bé sẽ phát triển khoẻ mạnh
Chúc bé khoẻ mẹ vui ^^